Ngày 23/5/2016, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, GE và Bộ Công thương đã ký kết hợp tác phát triển các nhà máy phong điện với tổng công suất 1.000MW vào năm 2025. Trả lời báo Đầu tư, ông Jerome Pecresse, Chủ tịch và Tổng giám đốc của GE Năng lượng Tái tạo, giải thích việc hợp tác của GE với Bộ Công thương sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nguồn năng lượng gió dồi dào để đáp ứng nhu cầu điện năng toàn quốc như thế nào.
Xin ông cho biết GE sẽ thực hiện kế hoạch này như thế nào?
Theo thỏa thuận, GE sẽ sử dụng kinh nghiệm phát triển phong điện toàn cầu để cùng các chủ đầu tư ở Việt Nam xác định những dự án tiềm năng. Sau đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam qua việc nội địa hóa thiết bị và linh kiện tuabin gió tại nhà máy GE ở Hải Phòng và hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác. Hiện chúng tôi đang xác định những dự án phù hợp. Một số dự án đã sẵn sàng vì đã có đất, điều kiện gió lý tưởng và việc kết nối với lưới điện dễ dàng. Chúng tôi sẽ sớm hợp tác với các đối tác quốc tế đủ khả năng.
Chúng tôi đang thương thảo với chính phủ về cách thức biến Biên bản ghi nhớ thành những nhà máy thực càng nhanh càng tốt bởi phong điện có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cần phải phát triển các nguồn năng lượng chủ động, thay vì nhập khẩu những nguồn nhiên liệu khan hiếm như than hay khí. Thỏa thuận hợp tác này cũng sẽ tác động tích cực đến vấn đề việc làm. Nhà máy GE ở Hải Phòng hiện có 700 công nhân lắp ráp một số linh kiện tuabin quan trọng nhưng tôi tin rằng trong tương lai, nhà máy sẽ tạo được nhiều việc làm hơn cho người Việt.
Việt Nam hiện đã cấp phép cho gần 50 dự án phong điện. Liệu điều này có gây ảnh hưởng gì cho các dự án của GE?
Một số dự án mà chúng tôi xác định là tiềm năng là những dự án đã được cấp phép. Chúng tôi đang bàn cơ hội hợp tác với chủ đầu tư những dự án này.
Chính sách quy định giá bán điện năng vào lưới (feed-in tariffs) của Việt Nam đang làm nhiều nhà đầu tư thất vọng. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển phong điện ở Việt Nam như thế nào?
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng phong điện đang ngày càng rẻ hơn nhờ tiến bộ công nghệ. Phong điện hiện đã có thể cạnh tranh với nhiệt điện và Việt Nam đủ điều kiện để sản xuất loại năng lượng này với mức giá cạnh tranh được với các loại năng lượng khác. Khi linh kiện tuabin được sản xuất nội địa, chi phí sản xuất sẽ còn giảm hơn nữa. Nếu có nguồn tài chính phù hợp, sản xuất phong điện ở Việt Nam với chi phí cạnh tranh hơn là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án phong điện. Ví dụ, Việt Nam có nguồn năng lượng gió cao hơn Thái lan do có bờ biển dài hơn. Nhưng phong điện ở Thái lan lại phát triển hơn ở Việt nam do các ngân hàng Thái dễ cho các dự án vay vốn hơn, trong khi các dự án của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài. Do đó nếu có một khung tín dụng phù hợp và một đầu ra bảo đảm cho các lượng phong điện sản xuất ra, người cho vay sẽ sẵn sàng thương thảo việc cho vay hơn. Khi đó, chúng ta sẽ có mức chi phí vốn bình thường và phong điện sẽ có giá cạnh tranh. Phong điện có khả năng cạnh tranh cao ở nhiều nơi trên thế giới, và tôi không thấy lí do gì để điều đó không xảy ra ở Việt Nam.
Ngoài cung cấp tuabin, chúng tôi sẽ tư vấn cho chính phủ trong việc xây dựng một khung pháp lý có thể tạo ra nguồn phong điện cạnh tranh. Có những chuẩn quốc tế cho khung một pháp lý như vậy và GE có thể cung cấp những tư vấn, kinh nghiệm có giá trị.
Lưới điện có cần phát triển để tương thích với điện gió không thưa ông?
Ba năm trước, với đồng tài trợ của Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, GE đã thực hiện một nghiên cứu về khả năng hấp thụ phong điện của lưới điện Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể tiếp nhận nguồn phong điện mà không cần thay đổi, cải tiến hạ tầng lưới điện. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt nam.
Song, gió là một nguồn năng lượng tự nhiên khó dự báo. Đôi khi gió dồi dào nhưng đôi khi ngược lại, mà chúng ta lại vẫn cần lượng điện ổn định ngay cả khi các nhà máy phong điện không thể hoạt động hết công suất. Như vậy nghĩa là cần có các các nguồn điện khác bổ sung trong trường hợp thiếu hụt. Trong trường hợp này, Việt Nam đã có nguồn thủy điện dồi dào và linh hoạt để lấp chỗ trống.
Khi mua lại Alstom Grid, công ty quản lý truyền tải điện hàng đầu thế giới, chúng tôi đã phát triển giải pháp ở mọi tầng, mọi cấp độ, trong đó có tầng truyền tải với một mạng lưới dây dẫn tốt hơn và phần mềm quản lý mạng lưới truyền tải theo thời gian thực. Phần mềm của chúng tôi có thể giúp Việt Nam kiểm soát mạng lưới điện quốc gia hiệu quả hơn, ổn định và tương thích với nhiều nguồn điện năng hơn, và các nguồn điện năng có thể thay thế, hỗ trợ lẫn nhau.